Ông Nguyễn Huy Tùng (hiện đang sống tại Sakura) một người môi giới lao động đã sống tại Nhật 15 năm cho biết: “Trung tâm của mình không lớn, mức thu nhập mình đưa ra luôn ở mức thấp nhất nếu không có giờ làm thêm và chi phí sinh hoạt phải ở mức sống được chứ không quá kham khổ. Vì vậy, lượng lao động bọn mình đưa được qua đây không nhiều. Đa số người đi với ước vọng đổi đời nhưng bọn mình nói rõ hiện thực vậy nên không nhiều bạn thấy hấp dẫn. Bù lại là sự duy trì ổn định của trung tâm mình những năm vừa qua, hơn nữa cũng ít có trung tâm có người thường trực tại Nhật, trong khi mình là diện “vĩnh trú” rồi cho nên có thể giúp các bạn vượt qua những khó khăn về văn hóa ban đầu tại Nhật”.
Ông Tùng chia sẻ thêm: Nhiều chuyện thực tế khác với trên giấy tờ không chỉ người lao động mà cả các trung tâm xuất khẩu lao động cũng không nắm rõ được. Ví dụ có những nhà máy trụ sở ở thành phố nhưng họ có các nhà xưởng, chi nhánh ở những vùng sâu, vùng xa khó khăn, khi dự tuyển thì người lao động nghĩ được ở thành phố nhưng lại bị điều chuyển lên những vùng này, khó khăn trong giao tiếp vì không thông thạo tiếng Nhật là bất lợi lớn nhất khiến người lao động khó có thể tìm ngay việc khác khi mới sang. Theo kinh nghiệm của ông Tùng, thị trường lao động Nhật Bản ngày càng khan hiếm lao động.
Nhìn vào tốc độ già hóa dân số nhanh chóng của Nhật Bản có thể thấy đất nước này rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, Chính phủ Nhật Bản đang coi nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tối ưu. Ngoài ra, thu hút lao động nước ngoài cũng là một biện pháp giúp Nhật Bản giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Hàn Quốc.
Nhưng để lao động Việt Nam vững chân ở thị trường nước ngoài, không bị bỏ rơi, trước hết Bộ LĐ-TB&XH cần phải có những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những vướng mắc, hạn chế về quản lý trong lĩnh vực này.
Cụ thể là giải quyết bất cập về phí, chi phí đào tạo, môi giới quá cao; ban hành cơ chế, chế tài quản lý lao động bỏ trốn; phát triển thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao…
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đào tạo, thu phí, tiền môi giới, “bỏ rơi” người lao động.
Các địa phương phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, nhất là hoạt động của các văn phòng tư vấn, tuyển chọn lao động trên địa bàn, kịp thời xử lý, cảnh báo sớm cho người lao động tránh bị mắc bẫy lừa đảo. Có như vậy, thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản mới từng bước phát triển lành mạnh, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Leave a comment